Hiện nay phân nền Akadama đã được AE thủy sinh sử dụng khá phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP HCM … nhưng vẫn có ít người hiểu rõ về phân nền Akadama và chưa sử dụng trải nghiệm nó. Bài viết này tôi không PR cho sản phẩm mà xin chia sẻ 1 cách khách quan đến anh em những hiểu biết của tôi về phân nền Akadama và kinh nghiệm sử dụng Akadama trên rất nhiều bể thủy sinh và tép ong, tép màu trong suốt 2 năm qua.
1/ Đầu tiên là về tên gọi của Akadama.
Cái tên Akadama xuất phát từ tiếng Nhật chỉ 1 loại đất sét núi lửa màu đỏ được khai thác từ độ sâu khoảng 3-5m từ các khu rừng Cryptomeria cũ của Nhật Bản. Tại sao lại có nhiều tên gọi như Irabaki Akadama, Ryusen Akadama hay Superme Akadama …? Lý do đó là tên của các công ty sản xuất phân nền hoặc là các phiên bản nâng cấp khi mà công ty đó có sự nâng cấp về mặt công nghệ sản xuất. Người dân vùng này ưu ái gọi nó là “Ngọc đỏ” hay “ Vua của các loại đất”.
2/ Akadama có phải là “PHÂN” không ?
Nhiều bạn hỏi tôi : “Akadama có phải là phân không ?”, “nó ít dinh dưỡng như vậy mà gọi là phân có phải lừa đảo không?”
Quan điểm của tôi nó có thể gọi là “Phân nền” bởi những lý do sau
Lý do 1: Ở Nhật ngư��i ta dùng nó để làm giá thể trồng cây Bonsai, nói Akadama không có dinh dưỡng là sai vì nó có dinh dưỡng nhưng ít và công thức chế biến giúp nó nhả dưỡng chậm, không làm thay đổi môi trường một cách đột ngột đối với các loại cây đỏng đảnh. Ở Việt Nam, đa số người chơi có quan điểm “PHÂN” phải là 1 cái gì đó nhiều dinh dưỡng thì mới gọi là phân.
Lý do 2: Ở Nhật người ta gọi là 赤玉土 (đất Akadama), Châu Âu gọi là Substrate (Chất nền). Lưu ý anh em rằng phân ADA và Gex cũng là các loại đất tự nhiên, được khai thác từ thiên nhiên người ta mang về chế biến gia giảm theo dinh dưỡng hay phụ gia, anh em nào học về địa chất chắc chắn biết là đất đá chia thành nhiều tầng trầm tích khác nhau, Akadama có nguồn gốc núi lửa, nằm sâu bên dưới, ADA và Gex tuổi trẻ hơn, nằm bên trên, giàu vật liệu hữu cơ hơn. ADA và Gex đều giống Akadama là ít dinh dưỡng (GEX thì nổi trội hơn), nhả dinh dưỡng chậm, ổn định môi trường, làm giá thể cho cây và rễ phát triển (Top Soil), còn muốn cây phát triển bền lâu đã có các sản phẩm cốt nền (Base Substrate). Vậy tại sao gọi ADA và GEX là phân nền được mà không gọi Akadama là Phân nền được.
Link tham khảo bài viết về Akadama trên các diễn đàn Châu Âu : https://www.ukaps.org/forum/threads/akadama-a-cheap-substrate.741/
(Phần cuối bài viết của link trên có rất nhiều link phụ đến các bài viết setup bể bằng Akadama)
Gọi Akadama là gì là do quan niệm và thói quen của mỗi người, để cho chính tắc thì mình cứ gọi là “Chất nền” giống Tây người ta gọi là Sustrate đi. Nhưng mà tôi hay gọi là phân do quen miệng =))
3/ Akadama là loại phân mới xuất hiện ?
Akadama không phải là loại phân mới. Mục đích ban đầu nó được sản xuất để phục vụ cho ngành nông nghiệp, trồng cây bonsai (nên trên bao bì vẫn đang in hình cây bonsai, hoa lan...), nhưng đã gần 20 năm nay nó được sử dụng trong thủy sinh ở Nhật Bản và thế giới, Mĩ và Canada là 2 nước tiêu thụ Akadama nhiều nhất hiện nay. Ở Việt Nam từ cách đây gần 5 6 năm đã lác đác có những người chơi tép ong và sử dụng phân nền Akadama và rất thành công, nhưng giá thành 1 bao Akadama khi đó khoảng 650K khá cao và không được PR rộng rãi như các loại phân dành cho tép ong khác nên ít người biết đến nó. Trong khi đó Mosura red soil có công thức chế biến, nguồn gốc giống Akadama thì lại rất được ưa chuộng.
Link tham khảo bài viết về Akadama dùng cho tép ong trên các diễn đàn Châu Âu :
http://www.shrimpspot.com/topic/5996-akadama-soil-anyone-using-it-for-shrimps-tanks/
4/ Akadama có phải là phân Nhật thật không? Tại sao nó rẻ thế?
Xin thưa Akadama là phân Nhật 100% nhưng nó được sử dụng chủ yếu trong ngành nông nghiệp nên giá không thể quá cao như các loại phân thủy sinh. Và câu chuyện về giá thì luôn là câu chuyện gây tranh cãi muôn thủa. Nhưng nếu nó tốt và giá rẻ, lại sử dụng được cho thủy sinh thì AE cứ dùng và trải nghiệm, càng tốt chứ sao.
5/ Có AE hỏi tôi : “Akadama chỉ là đất nung/ đất sét nung đúng không?”
Trả lời là : Vừa đúng vừa sai, tôi hỏi lại người AE đã hỏi tôi : Biết gì về đất sét mà khinh đất sét thế ? =))
Đất sét là một chất nền tuyệt vời đối với bể thủy sinh bởi tính hấp phụ của nó, nó hút các kim loại nặng độc hại trong nước giúp duy trì chất lượng nước, hút chất dinh dưỡng trong nước và chuyển các chất dinh dưỡng đó vào rễ cây. Chính nhờ khả năng đặc biệt này mà đất sét được đánh giá rất cao.
Ở Việt Nam có loại đất sét nung Popper giá thể siêu nhẹ được làm từ đất sét tự nhiên nung ở 1300-1400oC giúp cho rễ lan thoáng, chống ngập úng… hoặc làm thủy canh.
Akadama được gọi là SMS (Soil Master Select là loại đất sét nung có nguồn gốc núi lửa được sử dụng làm chất cải tạo đất), cái nguồn gốc núi lửa này rất quan trọng. vì thành phần đất đá được hình thành từ núi lửa phun trào rất giàu các nguyên tố trung và vi lượng tốt cho cây trồng. Đây là điểm khác biệt so với đất sét thông thường hơn nữa Akadama chỉ được nung ở nhiệt độ 300oC nên không làm mất đi các nguyên tố quý giá.
Châu Âu người ta gọi Kitty, Molar Clay, Akadama là đất sét giá rẻ, ADA Aquasoil, Oliver Knott Naturesoil, Carribsea EcoComplete và Seachem Flourite là đất sét đắt tiền vì có thêm chất phụ gia.
Link tham khảo bài viết về gọi các loại phân là đất sét do nguồn gốc của chúng đều là khai thác từ tự nhiên.
https://www.co2art.eu/blogs/blog/13591513-how-to-set-up-a-c02-enriched-planted-aquarium
6/ Thành phần dinh dưỡng trong Akadama?
Các thông số hàm lượng dinh dưỡng do nhà sản xuất Akadama cung cấp :
SiO2 : 42,7%
CaO : 0,98%
MgO : 2,5%
MnO : 0,15%
Fe2O3 : 8.4%
Al2O3 : 25,1%
giá trị PH: 5.5-6.5 (tùy nguồn nước đầu vào)
Nhưng sau một thời gian sử dụng tôi phát hiện ra hàm lượng dinh dưỡng của Akadama thấp do các thông số mà nhà sản xuất cung cấp chỉ là các chất trung lượng (S, Ca, Mg, Si) và các chất vi lượng (Zn, Fe, Mn…). Bí mật nằm ở tỉ lệ các chất đa lượng (N, P, K) mà nhà sản xuất giấu kĩ. Akadama dùng cho bonsai nên mục đích để cây không lớn người ta không bổ sung các chất đa lượng NPK mà cây sẽ hấp thụ trung và vi lượng để sống.
Vì vậy tôi luôn khuyến cáo AE chơi nền Akadama sử dụng cho bể tép ong, tép màu, rêu và dương xỉ, bucep …Nếu muốn chơi cắt cắm hay cây bò tiền cảnh thì phải có cốt nền tốt lót bên dưới.
+ Đối với chơi tép ong và tép màu :
Akadama có giá trị CEC (Cation Exchange Capacity) rất cao nghĩa là nó sẽ hấp thu các cation trong nước như Mg++, Ca++, K++ và giữ chúng lại để cung cấp cho rễ cây. Việc hấp thụ magie và canxi làm cho nước trở nên mềm hơn, giá trị GH ở khoảng 4. Khi hấp thụ các ion magie và Canxi làm thừa ra các ion H+, các ion H+ này ngay lập tức phản ứng kết hợp với bất kì bicarbonat (HCO3-) nào trong nước gây hiện tượng giảm KH và PH. Như chúng ta đã biết KH đóng vai trò như bộ đệm của nước, ở Hà Nội và miền Bắc sử dụng nước sông Đà tích trữ trong núi đá vôi có độ cứng cao và PH cao. KH càng cao thì càng khó để thay đổi và xử lý PH khi chơi tép ong.
+ Đối với chơi cắt cắm và cây bò :
Nhiều AE hỏi tôi tại sao dùng nền Akadama không thấy trân châu bò? Lý do như đã nói ở trên, Akadama ít dưỡng mà trân châu lại là loại cây cần nhiều dinh dưỡng + ánh sáng mạnh + CO2. Bò hay không chủ yếu là do cốt nền tốt hay không, Cốt nền tốt thì trân châu trồng trên sạn sỏi cũng bò được.
Hình ảnh trân châu ngọc trai và cây cắt cắm đỏ phát triển tốt trên nền Akadama bổ sung cốt nền của Vũ Aqua.
Hình ảnh ngưu mao chiên phát triển tốt trên nền Akadama bổ sung cốt nền của Aqua Hà Nội.
+ Đối với chơi rêu:
AE ngoài miền Bắc sử dụng nước cứng để chơi thủy sinh nên khi dùng mini fiss hay bị hiện tượng đen đầu. Akadama có tác dụng làm mềm nước nên cực kì thích hợp với mini fiss. Với điều kiện ánh sáng yếu và nhiệt độ khoảng 28oC nhưng mini fiss vẫn xanh thẫm và phát triển tốt.
Hình ảnh rêu mini fiss phát triển xanh tốt tại bể của Aqua Hà Nội
7/ Khi setup bể thủy sinh bằng Akadama thấy bụi, vậy hạt có nhanh mủn không?
Điều này là sự thật nhưng chỉ đúng với việc bụi, trong những lần đầu setup bể thủy sinh tôi gặp vấn đề về bụi (Có thể do quá trình vận chuyển hạt phân bị dập vỡ) nên đành phải tự rút kinh nghiệm bằng cách hạ thấp bao phân và đổ phân một cách từ từ. Tuy bụi nhưng đã nói ở trên, với cơ chế hấp phụ của sét nên nước trong rất nhanh và hạt bụi bị hút xuống nền không lơ lửng trong nước. Còn về độ mủn của hạt thì là do công nghệ xử lý nhiệt, Akadama được xử lý nhiệt trên 300oC nên độ bền hạt tương đối cao. Ảnh bên dưới là bể ở nhà tôi vẫn đang sử dụng nên các bạn có thể thoải mái đến xem, sau 1 năm rưỡi hạt đa số vẫn giữ nguyên không thay đổi. lớp mủn bên dưới là chất thải lắng đọng của cá tép…
Một chú ý nữa là AE nên nhớ bao 18L công nghệ nung không bằng bao 14L nên hạt mềm hơn, chỉ nên sử dụng độn bên dưới để tiết kiệm, còn bên trên nên trải 14L hạt cứng sẽ lâu bị mủn.
8/ Kết luận
Tóm lại Akadama vẫn là một loại phân rẻ hợp túi tiền nhất là đối với các bạn sinh viên hay người mới chơi. Tùy vào mục đích mà người chơi nên lựa chọn 1 cách sáng suốt để sử dụng cho đúng, phát huy hiệu quả nhất (ví dụ như dùng thêm cốt nền hay phân nước để bổ sung cho bể cắt cắm cây bò…)
Những gì tôi chia sẻ là kiến thức tôi tổng hợp từ các diễn đàn nước ngoài và kinh nghiệm thực tế sử dụng trong 2 năm qua. Nếu có gì không đúng hoặc kinh nghiệm khác mong AE nhiệt tình chia sẻ góp ý chứ đừng ném đá để AE mới chơi và chưa sử dụng có cái nhìn và đánh giá chính xác về sản phẩm.
Thanks
NGUYỄN MINH PHƯƠNG
22, Tháng Tám, 2018